Lịch sử làng nghề cổ truyền bánh gai Ninh Giang – Hải Dương

Hải Dương nổi tiếng với nhiều bánh trái đặc sản nổi tiếng, trong đó  bánh gai Ninh Giang là món quà được nhiều người ưa chuộng, nổi tiếng nhất. Bánh gai Ninh Giang trở thành một món ăn đặc sản của xứ Đông.

Ninh Giang là một thị trấn nhỏ của tỉnh Hải Dương, trong lịch sử thị trấn Ninh Giang xa đã có một thời vang bóng, sầm uất với những sắc thái văn hóa đa dạng. Chính nó đã làm nên nét đặc biệt cho nơi đây.

Lịch sử làng nghề bánh Gai.

Từ những thời Lý-Trần, Ninh Giang là miền đất thuộc phủ Hạ Hồng, thời thuộc Minh thuộc phủ Tân An, đến thời Lê lại đổi thành phủ Hạ Hồng. Phủ Hạ Hồng gồm các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) và Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Thị trấn Ninh Giang là trụ sở của huyện Đồng Lại thời Lê Sơ. Đến thời Quang Thuận (1460 -1469) đổi thành huyện Vĩnh Lại thuộc phủ Hạ Hồng. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phủ Ninh Giang được chia làm 4 huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Vĩnh Bảo. Thời Pháp thuộc thị trấn Ninh Giang được nâng cấp lên thành thị xã Ninh Giang, tỉnh Vĩnh Ninh. Năm 1979 huyện Ninh Giang hợp nhất với huyện Thanh Miện thành huyện Ninh Thanh. Năm 1996 huyện Ninh Giang được tái lập, trụ sở huyện đặt tại thị trấn Ninh Giang.

Lịch sử gốc gác của làng nghề làm bánh gai Ninh Giang có từ lúc nào thì đến nay cũng chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép. Đi tìm hiểu về lịch sử nghề làm bánh gai Ninh Giang, chúng tôi đã gặp gỡ khá nhiều các cụ cao tuổi ở thị trấn Ninh Giang, thì đều được kể lại với những câu chuyện như sau :
Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân nghèo, vào một năm đói kém, mất mùa, thiếu ăn họ phải đi tìm các loại lá cây mọc tự nhiên để ăn. Họ đã tìm thấy một loại lá cây mang về nấu cơm ăn thấy dẻo, ngon. Họ bèn hái, thái phơi khô để dành, từ thổi cơm dần dần họ nghĩ ra cách lấy lá đó trộn với bột gạo nếp làm bánh ăn rất ngon và thơm, vừa để được lâu. Sau này các thế hệ con cháu cải tiến từ gói bánh bằng lá chuối tươi, đến gói bằng lá chuối khô, rồi cho thêm một số loại thực vật khác làm nhân bánh, dần dần trở thành bánh gai như hiện nay. Cho nên ở Ninh Giang người ta thường gọi bánh gai là bánh lá gai.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, nghề làm bánh gai ở Ninh Giang có lúc sản xuất cầm chừng do nhiều nguyên nhân, nhưng không lúc nào bị thất truyền.

Công đoạn sản xuất :

Nguyên liệu: Gồm gạo nếp cái hoa vàng, lá gai, đỗ xanh, đường mật mía, lá chuối khô, và một số nguyên liệu khác như dừa bánh tẻ, mỡ lợn, vừng, dầu thực vật, đường kính trắng, bí đao, hạt sen, hương liệu…

Công cụ sản xuất bánh gai: Cối giã gạo, dụng cụ ép lá gai, nồi hấp bánh, ngoài ra còn có dụng cụ khác dùng để đựng như rổ, rá, thau chậu, nồi đồng, giây bột, dao, thớt… than hoặc củi để hấp bánh…

Nhào bột bánh

Nhào bột bánh

Làm quả: Gạo nếp được nhặt sạch sạn, đảm bảo không lẫn tẻ, ngâm nước khoảng 1 giờ, đổ ra rá để ráo nước, sau đó cho vào giã, dùng giây để giây thành bột. Lá gai được rửa sạch cho vào nồi luộc khoảng 2 giờ, phơi khô, giã thành bột.

Đường mật mía đun lên gọi là hoán đường, ướp với bột lá gai cho vào chum ủ một thời gian nhất định để dùng dần, hết thì lại ủ tiếp.

Lấy bột gạo nếp trộn với bột lá gai đã ủ cho vào cối giã tạo thành quả bánh, lên quả bột có màu đen, mịn của lá gai. Khi trộn cho mỡ lợn, để bột mịn, bóng và ngậy.

Làm nhân bánh: Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh, mỡ, dừa, mứt sen, mứt bí, đường, dầu chuối. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm nước, sau đó đãi sạch vỏ, cho vào chõ đồ chín, giã nhỏ trộn với đường kính. Mỡ lợn luộc, thái mỏng, dừa bánh tẻ nạo hoặc thái thành sợi.

Đường kính đun lên ướp mỡ phải trong như mứt bí để giảm độ béo, mỡ ăn phải giòn mới đạt yêu cầu. Khi lên quả nhân mới cho thêm mứt sen, mứt bí, dừa nạo, va ni theo tỷ lệ và nắm thành viên nhân.

Gói bánh: Dùng lá chuối khô, rửa sạch, bỏ lá rách, lau khô. Cho nhân vào bột nặn thành hình tròn, đồng thời đổ mỡ nước vào ngâm.Vừng đãi sạch, lăn quả bánh trên mâm, sau đó gói nhiều lượt lá.

Hấp bánh: Dùng nồi to, quây xung quanh bằng cót,dùng bao tải bọc ngoài để giữ nhiệt. Khi hấp bánh thấy có hơi nước bốc lên mới tính giờ. Tùy theo số lượng mỗi mẻ hấp hoặc trọng lượng bánh to hay nhỏ mà tính thời gian hấp khác nhau. Trung bình hấp một mẻ bánh hết từ 60 đến 80 phút. Khi bánh chín, vớt ra để cho nguội và ráo hơi nước. Bánh ngon phải đạt yêu cầu ăn dẻo, dai, nhân trắng, thơm ngon.

Đóng gói bánh: Khi bánh nguội, cắt bỏ dây buộc, sau đó xếp 5 chiếc buộc thành một gói. Buộc bằng dây cói, trên có đính kèm nhãn mác của cơ sở sản xuất.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế nước ta phát triển, nghề làm bánh gai ở Ninh Giang đã được phục hồi nhanh chóng. Ngày nay bánh gai được sản xuất bằng công nghệ hiện đại rất nhiều, nhưng cách làm thì vẫn thực hiện như xưa và một số công đoạn vẫn phải làm thủ công.

Bánh gai Ninh Giang được sử dụng như một món quà quê giản dị mà hương vị thật đậm đà, bánh được dùng làm lễ vật trong dịp lễ, tết, tuần, rằm, cúng giỗ tổ tiên theo phong tục Việt Nam.

Nghề sản xuất bánh gai hiện nay đã có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh… và còn theo chân các Việt kiều tại một số nước trên thế giới… Nhưng sản phẩm bánh gai được sản xuất tại Ninh Giang vẫn giữ được nguyên vẹn danh tiếng vốn có của nó và xứng đáng là đặc sản nổi tiếng của Hải Dương.