Những câu chuyện xoay quanh món bánh gai Ninh Giang
|Nghề làm bánh gai Ninh Giang có từ rất lâu đời và không ai biết nó bắt đầu từ bao giờ hay từ truyền thống nào của làng. Đi tìm hiểu lịch sử của món bánh gai này thì có rất nhiều câu chuyện ly kỳ xoay quanh chiếc bánh gai mộc mạc của người dân nơi đây.
Nhiều truyền thuyết lắm. Cái bánh gai đen xì giản dị này mà mang nhiều ý nghĩa. Có người thì nói rằng, chiếc bánh gai này có nguồn gốc từ đôi vợ chồng nghèo. Chuyện là như thế này: “Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân nghèo, vào một năm đói kém, mất mùa, thiếu ăn họ phải đi tìm các loại lá cây mọc tự nhiên để ăn. Và họ tình cờ đã tìm thấy một loại lá cây mang về nấu cơm ăn thì thấy dẻo, ngon và thơm. Họ bèn hái chúng, thái ra phơi khô và để dành để nấu cơm, và từ dùng để thổi cơm dần dần họ họ nghĩ ra cách lấy lá đó trộn với bột gạo nếp làm bánh ăn rất ngon và thơm mà lại còn để được lâu. Sau này các thế hệ con cháu cải tiến từ gói bánh bằng lá chuối tươi, đến gói bằng lá chuối khô để được lâu mà không sợ bị mốc, hỏng. Rồi dần dần, cải thiện hơn họ cho thêm một số loại thực vật khác làm nhân bánh, và cuối cùng trở thành bánh gai ngon tuyệt như hiện nay”.
Có người lại cho rằng, những người làm bánh gai đầu tiên là từ những ngư dân làng Quát (Gia Lộc). Từ thế kỷ 12- 13(thời Trần) làng Quát có nghề chài lưới rất phát triển, quanh năm họ xuôi ngược các dòng sông. Đến khu vực bến đò Tranh ( Ninh Giang) họ dừng lại đánh cá và ngụ tại đây. Họ thường lấy bẹ của cây lá gai để đan lưới đánh cá, vất bỏ phần lá. Nhưng vào một năm mất mùa, hết thứ để ăn độn cùng cơm, họ chợt nghĩ đến những cây lá gái vốn rất nhiều ở nơi này và dùng chúng để độn cùng cơm. Ăn thấy rất dẻo và thơm thì dần dần họ nghĩ cách chế biến cho loại lá này thành món bánh gai như ngày hôm nay.
Lại có những ý kiến cho rằng ông tổ nghề bánh gai là Yêt Kiêu, người làng Hạ Bì ( huyện Gia Lộc), người được mệnh danh là tướng thủy quân số một của triều Trần ( TK13). Trong thời kỳ cầm quân đánh giặc, ông cho quân mai phục ven sông và đã phát hiện ra thứ lá cây (lá gai) ăn được. Khi đánh thắng giặc, ông về vùng này dạy cho dân lấy gạo nếp, lá gai ninh nhừ , luyện vào làm thành bánh ăn thì thấy rất dẻo, thơm ngon. Cũng từ đó, người dân nơi đây bắt đầu chế biến món bánh này và công phu hơn khi làm thêm nhân bên trong bánh cho chiếc bánh ăn ngon hơn, rồi dần dần, trở thành chiếc bánh gai Ninh Giang thơm ngon như hiện nay.
Mỗi câu chuyện mang một ý nghĩa sâu sắc, chiếc bánh gai ngày nay dường như được xuất phát từ cuộc sống nghèo khổ của người dân nơi đây. Cố gắng mưu sinh và làm ra chiếc bánh gai có một không hai này.
Trước năm 1945, ở thị trấn Ninh Giang này thì chỉ có hai người làm bánh gai là cụ Hương Tụ và cụ Hương Viết, dần dần các cụ truyền nghề cho con cháu. Dần dần, món bánh gai theo chân những người khách đi xa dừng chân tại Hải Dương mang đi khắp nơi. Và cho đến tận bây giờ, những chiếc bánh gai Ninh Giang đã nổi tiếng khắp ngoài Bắc đến trong Nam. Những ai có cơ hội đi qua Hải Dương đều muốn mua loại bánh này về làm quà cho mọi người thưởng thức. Sản phẩm bánh gai Ninh Giang từng tham dự các cuộc triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật toàn quốc giành được 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.